Văn Miếu - Biểu tượng của nho giáo Việt Nam

10.733 lượt xem
Văn Miếu, tên đầy đủ là Văn Thánh Miếu, là nơi thờ tự, tôn vinh Khổng Tử, người sáng lập ra Nho giáo, người được hậu thế tôn vinh là “Vạn thế sư biểu” (người thầy mẫu mực của muôn đời). Ở khu vực Đông Á, nơi Nho giáo có ảnh hưởng sâu sắc trong suốt hàng ngàn năm lịch sử, hầu hết các quốc gia đều lập Văn Miếu. Chính vì vậy, không lạ gì khi đến tận ngày nay chúng ta vẫn nhìn thấy những tòa Văn Miếu với các quy mô khác nhau, phong cách kiến trúc cũng khác nhau ở Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Triều Tiên, Đài Loan… và Việt Nam.

Ở nước ta, ngay trong thời Lý, khi Phật giáo đang trong thời cực thịnh và giữ vị trí quốc giáo, vua Lý Thánh Tông đã cho lập Văn Miếu vào năm 1070 để thờ Khổng Tử, Chu Công, Tứ phối và Thất thập nhị hiền, đồng thời làm nơi học tập cho hoàng thái tử. Đến năm 1076, triều Lý cho dựng trường Quốc Tử Giám bên cạnh Văn Miếu để đào tạo con em trong hoàng tộc. Như vậy, ngay từ thuở ban đầu, Văn Miếu không chỉ là nơi thờ tự người sáng lập ra Nho giáo mà còn là nơi đào tạo nhân tài cho triều đại, cho đất nước.

Suốt từ đó trở về sau, cùng với sự phát triển của Nho giáo tại Việt Nam, Văn Miếu càng được xem trọng và mở rộng quy mô. Thời Trần đổi tên Quốc Tử Giám thành Quốc Học Viện và đào tạo không chỉ con em trong hoàng tộc mà cả những học trò xuất sắc trong bách tính.

Từ thời Hậu Lê đến thời Nguyễn, Nho giáo ảnh hưởng bao trùm trong xã hội, Văn Miếu không chỉ có tại kinh đô mà còn được xây dựng tại nhiều tỉnh. Đặc biệt, trong thời Nguyễn (1802-1945), ngoài Văn Miếu tại kinh đô Huế, tất cả các tỉnh thành trong nước từ Bắc chí Nam, triều đình đều cho dựng Văn Miếu, không chỉ tỉnh lị mà còn có ở cấp phủ, huyện; thậm chí ở cấp xã cũng có Văn Chỉ. Đó là nơi thờ tự Khổng Tử, các đồ đệ thành danh của ngài, cũng là nơi tôn vinh Nho học, tri thức và đạo đức Nho giáo.
Thể loại : DU LỊCH